Viết bởi Administrator Thứ hai, 03 Tháng 3 2014 10:57
Ai cũng có một tôn giáo một đức tin, bất cứ tôn giáo nào. Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài giáo hay Hòa hảo v. v... Để làm gi? Để tin tưởng và gửi gấm, nguyện cầu cho quốc thái dân an. Mưa thuận gió hòa. Gần gũi, thương yêu và chia sẻ. Lẽ ấy! nên hằng năm tại chùa Lá, quận Gò Vấp - TP.HCM tổ chức chuyến hành hương tại Núi Sam, Tp. Châu Đốc và núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vào tối ngày 22/01/2014 Âm lịch.
Đoàn chúng tôi có hai xe, tất cả 80 người. Thay mặt thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm (đang bận công việc Phật sự nơi xa), thầy Đức Thăng và đạo hữu Thiện Trung hướng dẫn đoàn. Trong đoàn gồm có anh chị em báo chí, thầy cô giáo, phật tử và số sinh viên trong và ngoài nước. Việc tổ chức không được như ý khi bước lên xe. Chổ ngồi không ổn định nên có một số người muốn bỏ về ngay tối ấy. Bản thân tôi phải dời điểm ba lần trên hai chuyến xe, nhưng không sao, mọi việc ổn thỏa và yên bình vì không có gì khó. Xe khởi hành gần 22h00 và đưa đoàn chúng tôi tới Tp.Châu Đốc 06h00 sáng hôm sau.
Suốt một đêm trên xe không ngủ mọi người không được khỏe, công việc đầu tiên của đoàn chúng tôi là vệ sinh cá nhân và tìm một quán nào đó nạp "Năng lượng". Hồ bao đã no, cộng thêm ly cà phê nữa thì tuyệt cú mèo. Từng nhóm chia ra, ai đi xe " thồ" thì đi, có đoàn xe trung chuyển đưa hành khách lên vía miếu Bà chúa xứ Thánh Mẫu nằm ngay dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, bằng xe miễn phí của bác "Nhà nước" ta quản lý. Tôi không dám ngồi lên chiếc xe thồ ấy vì thấy tội cho người lao động quá! Một người phải đạp đưa bốn người đi qua những con đường dốc, vỏn vẹn chỉ mười ngàn một người. Tôi do dự một hồi chưa quyết định lên xe nào, chợt nghe có tiếng bảo "Không đi, thì đi bộ vậy!. Cuối cùng hội ý và đưa ra quyết định cuối cùng là đi xe của bác "Nhà nước". Hai bên đường, xe thồ, xe máy, xe du lịch nối đuôi nhau, xe lên, xe xuống. Mọi người từ các tỉnh kéo về vía Bà vào dịp tháng Giêng.
Dừng chân trước cửa chuẩn bị vào thắp hương rất, rất đông người. Tôi được biết đa số ở đây nhiều người Hoa vì họ gần như tin tưởng tuyệt đối vào sự linh ứng của Bà chúa xứ. Vì lẽ ấy nên bọn buôn gian, bán lận lợi dụng đủ mọi hình thức để làm tiền. Một con heo họ bán cho khách hành hương 2.500.000đ. Sau khi cúng xong họ thu mua lại 1.000.000đ. Mỗi ngày như vậy số tiền chênh lệch, tính theo cấp số nhân họ đã kiếm được bao nhiêu tiền trên con heo ấy?. Điều này tôi biết được do một người cung cấp thông tin. Bên trong thờ Bà chúa xứ khói hương nghi ngút toát lên nét văn hóa của người Việt nói chung và Tp.Châu Đốc nói riêng. Tất cả mọi người tín ngưỡng tôn thờ, những cặp mắt lim dim với đôi cánh tay đưa lên trán lâm râm khấn nguyện, cầu xin điều gì ở nơi Bà. Chẳng hạn như. Cầu cho gia đình hạnh phúc, con cái thi đậu đại học, kiếm được việc làm.v.v... Ngược lại bên ngoài loa phát thanh liên tục "Xin quý khách lưu ý coi chừng móc túi". Thử hỏi? một nước vốn có tiếng văn minh, lịch sự. Hội nhập thế giới rồi! sao còn nhiều tiêu cực đến mức những phần tử xấu trà trộn, len lỏi vào tận nơi trang nghiêm như vậy? Tại sao?.?.?
Thật ra! Châu Đốc thật sự chỉ có một, thuộc tỉnh An Giang mà thôi. Ngày nay, tôi được biết, có cả Châu Đốc một và thậm chí có cả Châu Đốc hai và Châu Đốc ba. Tại sao vậy? Tất cả là sự tham lam. Lợi dụng vào lòng tin của bà con nên đã ngụy tạo ra một Châu Đốc giả hòng gom, nhặt, lượm để mưu cầu sự sống cho chính bản thân mình. Nên tôi có lời khuyên thật chân thành đến với tất cả mọi người, đừng quá tin tưởng. Phải biết nhận định. Ở đâu mới là Châu Đốc thật nhé!.
Ngày hôm sau đoàn đặt chân đến núi Cấm với tên gọi "vùng Bảy Núi hay Thất Sơn" từ xưa, nay thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thật ra ở đây thật buồn vì chung quanh toàn vách đá. Ngôi chùa Vạn Linh nằm về hướng Đông, có tháp bảy tầng, mỗi tầng thờ một vị Phật để khách hành hương vãng cảnh, cúng bái.
Nhìn về hướng Tây cạnh hồ Thủy Liêm là ngôi chùa Phật Lớn. Tên gọi chùa Phật Lớn vì trong chùa có thờ một tượng phật cao 1,8 m. Vào thời điểm ấy, pho tượng này cao lớn hơn các tượng thờ khác cũng ở trên núi này và gọi vậy, còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng Đông gần chân núi. Tượng Phật Di Lặc cao gần 34m trên đỉnh Thiên Cấm Sơn thuộc chùa Phật Lớn nằm ở độ cao 710m so mặt nước biển. Thầy Đức Thăng cùng đoàn xin phép Ban quản lý nơi tượng Phật đang tọa mới được lên. Công trình vẫn còn dở dang vì rất cần nhiều kinh phí.
Trên đường về lại Tp. Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi ghé qua thăm tịnh thất của một vị tu sĩ tại gia là bạn đồng môn với lương y Võ Hoàng Yên tại gần bến phà Vàm Cống. Ông thật xúc động vì biết đoàn phật tử chùa Lá đến thăm. Ông xin ghi nhận và hẹn một ngày thật gần về thăm chùa Lá cùng đạo hữu phật tử. Kết thúc chuyến hành hương trở về lại chùa lúc 20h ngày 23/01/2014 Âm lịch. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chia tay hẹn ngày gặp lại vào chuyến hành hương sắp tới.
Kim Hoa