Viết bởi Administrator Thứ sáu, 17 Tháng 10 2014 08:18
Bà chị tôi vẫn là người có của ăn của để với hai đứa con trai được chị ở vậy nuôi đến lớn khôn sau khi anh rể tôi mất lúc chị mới hơn 30 tuổi. Các cháu đã lập gia đình và sống với mẹ rất hiếu thuận. Thế nhưng cách đây hơn hai năm, trong vòng chưa đầy tám tháng, cả hai đứa con của chị gặp tai nạn, một cháu tàn tật còn một cháu mất hẳn sức lao động. Chị phải bán nhà ở Sài Gòn để lo cho con rồi về Hóc Môn mua một túp lều ở gần tôi, "cho có chị có em".
Sau đó, chị nhất định đi bán vé số, vì "chị còn sức khỏe, phải lo cho hai đứa đã bất hạnh không làm việc được". Chị kể, "Một hôm, khoảng hơn hai giờ trưa, chị chỉ còn đúng năm tờ vé số. Chị định trở lại đại lý ở đường Châu Văn Liêm quận 5 thanh toán rồi về nhà sớm. Đi ngang đường Thuận Kiều, thấy có một người thanh niên ngồi uống cà phê một mình, chị lại tạt vào mời cậu ta mua số". Chị bảo, người thanh niên ấy trả lời không bao giờ mua vé số. Chị đã định bỏ đi nhưng rồi lại nài nỉ. Thấy chị nài nỉ, người thanh niên nhìn lên, nói, "Đúng là cháu không bao giờ mua vé số. Kể cả sáng nay có người nhìn mặt cháu bảo cháu có hoạnh tài. Thôi, để cháu mua giúp bác". Cậu ta mua giúp chị tôi một tờ vé số; nhưng khi trả tiền xong, cậu ta nói, "Cháu muốn biếu bác cái phần hoạnh tài của cháu. Bác giữ lấy tờ vé số này, nếu đúng như người ta nói thì số sẽ trúng; cháu cũng chúc bác may mắn trúng lớn để có cơ hội đổi đời". Ban đầu chị tôi không nhận, nhưng cậu ta nhét tờ vé số vào lại tay chị tôi. Nghe lời người thanh niên, chị để dành tờ vé số ấy nhưng cũng không trông mong gì. Vậy mà, chiều hôm ấy, tờ vé số của chị trúng giải phụ đặc biệt, được tới 100 triệu đồng. Ba ngày liền sau đó, chị trở lại chỗ cũ mong gặp lại người thanh niên tốt bụng để cảm ơn mà chẳng làm sao biết được ai với ai. Cuối cùng, chị bỏ ra một phần ba số tiền trúng xổ số cúng vào các cơ sở từ thiện; số còn lại, một nửa chị cho các con và một nửa chị dùng mở tiệm bán cà phê ngay trước nhà tôi. Chị cứ băn khoăn mãi về cái ơn của người thanh niên. Tôi bảo, để tôi kể lại chuyện này gửi báo Văn Hóa Phật Giáo, giúp chị ngỏ lời cảm ơn với người ta. Xin quý báo đăng tải câu chuyện của chị tôi, để chị tôi bớt băn khoăn.
Lê Thị Phượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Sáng thứ Sáu vừa rồi, tôi vừa lấy xe ra khỏi cửa thì bà xã gọi giật lại bảo tôi chở bả đi mua bông và trái cây cúng Phật vì "hôm nay là ngày đầu tháng Bảy âm lịch". Tôi bực mình hỏi xẵng rằng sao không lo từ hôm qua, bả trả lời "nhà mình gần chợ, mua sáng nay để cúng bông tươi trái tươi".
Trước lý lẽ đó, tôi đành im, lẳng lặng chở bả ra chợ; tính trong bụng, nếu bả nói trật lời nào thì tôi sẽ quạt cho một trận. Qua khỏi nhà thờ Hòa Hưng, bả nói tôi dứng xe chờ ngay trên đường Tô Hiến Thành rồi bả mau lẹ biến vào trong chợ. Đứng được chưa tới ba phút, tôi thấy có hai chiếc xe Honda chở rau củ và lỉnh kỉnh thau chậu chạy tới dừng trước mặt tôi. Hai người, một đàn ông, một đàn bà, nhanh nhẹn trải ra nền đường mấy tấm ny lông, bày rau củ ra, một số thì bỏ trong chậu. Hai người làm việc với nhau rất ăn ý. Tôi nhận xét thấy hai người đều mặt mày sáng láng. Thấy họ bày dưa chuột, tôi hỏi mua để làm quen. Mới biết hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học mà không kiếm được việc làm, có người anh thầu mấy ruộng rau ở Gò Vấp, ban đầu họ nhận rau của anh mang bán, lần hồi họ mua thêm các loại hàng khác từ chợ đầu mối. Cứ nghĩ làm tạm kiếm ăn mà nay cũng đã hơn ba năm. Thấy họ làm việc vui vẻ và nói chuyện tự nhiên, lại biết về hoàn cảnh của họ, tôi thấy mình vẫn may mắn hơn, và cơn giận vô lý của tôi tiêu tan. Khi bà xã tôi trở ra, tôi mau mắn đỡ giỏ hàng của bả lên xe, khiến bả cũng ngạc nhiên. Xin cảm ơn một buổi sáng bình yên vì đã có người trò chuyện hợp ý, giúp tôi bỏ ý định "quạt cho bả một trận" và còn lấy được điểm với bà xã. Xin cảm ơn cuộc sống, vẫn luôn có những người chơn chất làm ăn, bình thản mưu sinh bằng sự cần cù lao động.
Trần Văn Quang Minh, Q.3, TP.HCM
Nguồn: http://vanhoaphatgiaoblog.com/cuoc-song/loi-cam-on-cuoc-song-7.html