Tôn kính bậc trưởng thượng

In

Viết bởi Administrator Thứ sáu, 17 Tháng 10 2014 08:41

1

Ton kinh be trenNhững gia đình có truyền thống giáo dục và đạo đức luôn luôn có sự gắn bó giữa mọi thành viên, được thể hiện qua sự yêu thương, chia sẻ, và lòng tôn trọng lẫn nhau.

Cha mẹ hết lòng yêu thương con cái, nuôi nấng và dạy dỗ cho các con nên người. Cha mẹ chú trọng khuyên răn các con trong việc hành xử đối với mọi người, từ trong gia đình đến trong họ ngoài làng: tự mình thì biết khiêm cung; với người thì luôn có lòng tôn trọng, đặc biệt là đối với những bậc trưởng thượng. Cha mẹ còn hướng dẫn con cái trong việc học tập và trong những công việc hàng ngày, định hướng nghề nghiệp cho các con, tạo điều kiện cho các con có phương tiện mưu sinh sau này. Cha mẹ cũng biết tôn trọng các con khi các con tỏ ra là những người có nhận thức, biết điều hay lẽ phải.

Con cái hết lòng tôn kính cha mẹ, tiếp thu sự giáo dục dạy dỗ của cha mẹ, vâng lời cha mẹ bảo ban; thực hiện đúng những gì cha mẹ đã hướng dẫn; thể hiện những điều đó từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Con cái không nghe những lời bảo ban của cha mẹ về điều hay lẽ phải hoặc chỉ nghe mà không thực hiện thì có thể bị coi là con bất hiếu. Con cái thành đạt, làm cho xã hội biết đến cha mẹ mình, là điều khiến cho cha mẹ thật sự hạnh phúc, cảm thấy bõ công nuôi dưỡng con cái nên người.

Tuy nhiên, khi cha mẹ đã lớn tuổi và vào lúc con cái đã nên hình nên dạng, cả sức khỏe và tri thức của bậc cha mẹ thường khi không còn đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn cho con cái. Về sức khỏe, cha mẹ không còn đủ điều kiện theo dõi mọi bước đi của con cái trên đường đời. Về tri thức, cha mẹ không bắt kịp những tiến bộ của thời đại và kể cả kiến thức chuyên môn cho nên có thể có những ý kiến không thích hợp. Vì thế, tuy bậc làm cha làm mẹ vẫn có nhiều kinh nghiệm trường đời nhưng chẳng phải lúc nào cũng có thể đóng góp ý kiến cho con cái ngay cả ở mức độ tư vấn, nói chi đến can thiệp.

Bấy giờ,con cái đã trưởng thành,đã đủ phương tiện mưu sinh, còn cha mẹ thì già yếu, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng. Bấy giờ, con cái đã có đủ nhận thức và cũng bắt đầu có kinh nghiệm; bậc làm cha làm mẹ không giành quyền lãnh đạo con cái nữa, mà nên để cho con cái có suy nghĩ độc lập, tự giải quyết mọi vấn đề trong phạm vi trách nhiệm của con cái. Ngược lại, con cái cũng không nên tỏ ra mình không còn cần đến ý kiến của cha mẹ; mặc dù mình quyết định, nhưng vẫn thường xuyên hay định kỳ tham khảo ý kiến cha mẹ để các bậc làm cha làm mẹ không cảm thấy bị bỏ rơi hay bị coi thường. Được con cái tham vấn, thường thì cha mẹ vẫn lưu tâm và khuyên bảo các con nên cẩn thận, hiếm khi cha mẹ có những quyết định cụ thể. Thái độ khôn ngoan của cả hai bên trong những gia đình có truyền thống giáo dục và đạo đức như vậy luôn luôn gắn kết mọi thành viên với nhau.

Cũng có những trường hợp các bậc làm cha làm mẹ không nhận thức hết những hạn chế của mình; con cái đã lớn, đã thành đạt, mà vẫn can thiệp vào công việc của các con. Thường thì những người con có hiếu vẫn lẳng lặng lắng nghe sự phán bảo của cha mẹ; nhưng trong trường hợp cha mẹ cứ chứng tỏ mình là người lãnh đạo, đưa ra các quyết định không phù hợp hoàn cảnh, khi đó con cái sẽ bực bội có thể cãi lại khiến gia đình mất đoàn kết.

2

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một đại gia đình. Ở đó có các vị trưởng lão, các bậc tôn túc, đã hết lòng phụng sự Phật pháp, tận tâm hoằng truyền Chánh pháp chỉ vì hạnh nguyện thượng cầu hạ hóa, vì lòng thương tưởng cho đời. Nhiều vị trưởng lão và các bậc tôn túc đã dành hết cuộc đời cho các hoạt động Phật sự, cho việc lãnh đạo Giáo hội ở những phương vị này hay phương vị khác. Công đức của các vị thật là lớn lao, tất nhiên, Giáo hội không thể không quan tâm.
Theo luật tự nhiên, tre già thì măng mọc. Theo lẽ vô thường, sự vật luôn biến chuyển. Chẳng những thế, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, sự vật không chỉ biến chuyển mà còn thay đổi với một tốc độ chóng mặt. Tuy công lao của các bậc tôn túc và các vị trưởng lão là cao vời, nhưng hiển nhiên, sức khỏe, kiến thức thế tục, và nhận định về thời đại của các ngài càng lúc càng không còn phù hợp với việc lãnh đạo đại gia đình Phật giáo Việt Nam. Ai cũng có một tấm thân tứ đại mà nói theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì lúc nào cũng thầm thầm dời đổi, bị suy mòn theo thời gian. Các bậc trưởng thượng trong Giáo hội cũng vậy, đến một độ tuổi nào đó, các ngài cũng cần phải được nghỉ ngơi để an vui cùng Phật pháp.

Làm thế nào để Tăng Ni và Phật tử Việt Nam thể hiện đúng mực lòng yêu kính của mình đối với các vị trưởng lão, các bậc tôn túc đã suốt đời vì đạo pháp và dân tộc?

Phật sự không phải là việc của riêng ai. Bất cứ ai đã là con Phật đều có bổn phận hộ trì Chánh pháp tùy theo khả năng và công hạnh của mình; cũng như bất cứ một người dân Việt nào cũng đều có trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc trong phạm vi năng lực của mình.

Như trong một gia đình, con cái không thể tiếp tục để cho bậc cha mẹ già yếu của mình phải khổ sở với những công việc mà mình đã hoàn toàn có khả năng gánh vác; đối với Giáo hội, khi thấy các vị trưởng lão và các bậc tôn túc đã già yếu, chư Tăng Ni và các Phật tử Việt Nam phải có dũng cảm mạnh dạn đảm nhiệm mọi Phật sự tùy theo khả năng và công hạnh của mình. Có thế thì các bậc trưởng thượng mới có thể nghỉ ngơi, di dưỡng tuổi già, tập trung vào việc tiếp tục hoàn mãn Giải thoát tri kiến của người con Phật; đấy là thể hiện lòng thương yêu.

Trong lúc thi hành Phật sự, tuy chư Tăng Ni và các Phật tử tự mình quyết định mọi mặt dựa trên những kiến thức và bản lĩnh đã được thầy tổ truyền dạy, vẫn nên thường xuyên đến vấn an, tham khảo ý kiến của các bậc tôn túc, của chư vị trưởng lão với một thái độ khiêm cung; đấy là thể hiện lòng tôn kính.

Về phần chư vị trưởng lão và các bậc tôn túc, các ngài cũng nên thấy đã đến lúc cần phải giao lại toàn bộ sự nghiệp hoằng truyền Chánh pháp cho thế hệ nối tiếp, tự lui về phía sau để di dưỡng đạo hạnh; nên yên tâm và hài lòng vì lớp hậu bối hoàn toàn có thể tiếp nối hạnh nguyện cả đời của các ngài.

Vấn đề ở đây có hai mặt: thứ nhất, Giáo hội không nên nài nỉ các vị trưởng lão tôn túc cao niên tiếp tục phải hy sinh vì Phật sự; thứ hai, các vị cao niên nên dứt khoát từ chối mọi sự cung thỉnh của Giáo hội nếu có, dứt khoát không đảm nhận bất kỳ một trách nhiệm nào khi tự nhận biết sức khỏe tuổi tác của mình không còn cho phép mình thực thi đúng mực những trách nhiệm ấy.

Trong hệ thống tổ chức của GHPGVN có một cơ quan là Hội đồng Chứng minh. Căn cứ vào Hiến chương hiện hành của GHPGVN, thành viên của HĐCM là các bậc tôn túc trưởng lão cao niên, đạo hạnh, được cung thỉnh để tại vị suốt đời. Bên cạnh việc đóng vai trò biểu tượng của GHPGVN, HĐCM còn có trách nhiệm cố vấn chứng minh tính hợp thức cho mọi hoạt động của Giáo hội, quyết định những vấn đề liên quan đến việc giữ gìn giới luật của toàn thể Tăng Ni. Là một cơ cấu của một tổ chức rộng lớn, HĐCM thuộc GHPGVN phải là một cơ quan có hoạt động, và rõ ràng Hiến chương của Giáo hội đã quy định cho HĐCM những trách nhiệm quan trọng và nặng nề. Việc cung thỉnh vào HĐCM quá nhiều những vị trưởng lão tôn túc không đủ sức khỏe theo dõi Phật sự chỉ khiến người ngoài thấy HĐCM là một cơ quan không hoạt động, chắc chắn không phải là một hình thức tôn kính các bậc trưởng thượng đúng mực.

NGHIÊM LẠC THIÊN

Nguồn: http://vanhoaphatgiaoblog.com/van-hoa/ton-kinh-bac-truong-thuong.html