Developed by JoomVision.com

Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn

Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn

Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn

Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn

Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn Chùa lá gò vấp - Trung tâm thiện nhơn

Tấm áo ngày xuân

PDF.InEmail

Tam ao ngay xuan

Dường như với trẻ em bây giờ, có đồ mới như quần áo, dép mũ... vào dịp Tết không còn mấy háo hức, trông ngóng như ngày xưa nữa. Bởi lẽ, khi đời sống đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đi lên thì trong suốt một năm qua, trẻ em có nhiều dịp để được may sắm. Nào là ngày khai trường, sinh nhật, trung thu... đều là những dịp để con trẻ xúng xính, điệu đà trong bộ quần áo mới. Đúng là, mỗi ngày qua đi thay đổi từng ngày...

Tuổi thơ tôi gắn với ruộng vườn của ba, của mẹ, với những con đường nắng bụi mưa bùn sùi sụt khuất sau lũy tre làng. Tháng Chín, tháng Mười, trời trở gió đổ mưa tầm tã, khoảng sau hai, ba ngày là cả xóm làng ngập trong biển nước trắng xóa. Thương nhất là vườn rau của mẹ, nếu không bị ngập úng thì cũng bị mưa gió làm giập nát những luống rau non mơn mởn. Vì vậy, thời gian này thường là mùa "nghỉ ngơi" của đất vườn nên cũng là mùa túng thiếu nhất trong cuộc sống người dân quê tôi ngày trước. Bởi thường ngày, mọi mua sắm, chi tiêu đều trông vào mảnh đất vườn nhà, nhất là dịp chuẩn bị Tết đến xuân về. Tôi còn nhớ, năm nào mưa lụt kéo dài thì năm ấy cái Tết kém hương phai sắc. Người lớn như cha mẹ tôi lo toan đã đành, lũ trẻ con dường như đứa nào đứa nấy cũng xịu mày xịu mặt. "Lúa tháng Giêng, tiền tháng Chạp", không có mớ dưa, bó cải hay thúng đậu... kĩu kịt theo các bà các mẹ ra chợ thì làm sao lo được cái Tết đủ đầy. Niềm vui ngày Tết của trẻ con vì thế cũng "phôi pha" theo...

Đến bây giờ, khi cây bàng đầu phố rụng hết lá già cằn cỗi, trơ cành khẳng khiu để những chồi non chúm chím đón nắng xuân về, khi gió hanh hao lành lạnh cho khăn len em gái choàng nét duyên e ấp, thì trong tôi vẫn còn tươi nguyên cái háo hức đợi chờ hương vị Tết như xưa mẹ cho đi chợ sắm quần áo Tết. Làng tôi nằm ven sông Thu Bồn và mỗi năm lũ tràn về, ruộng vườn được bồi đắp lớp phù sa màu mỡ. Quanh năm, bàn tay mẹ sớm hôm chăm sóc vườn nhà xanh um nên mùa nào thức nấy, các loại rau trái nối tiếp nhau. Đặc biệt vào mùa giáp Tết, nghĩa là vụ đầu tiên sau những trận lụt thì màu xanh non tươi của nhiều cây trái mẹ chăm trở nên thân thuộc và ám ảnh suốt thời thơ ấu của tôi. Còn nhớ có năm đã cuối tháng Mười âm lịch mà trời vẫn đổ mưa liên tục, cả khu vườn im lìm chìm trong nước. Cha tôi đốt thuốc đi ra đi vào, mẹ tôi nén tiếng thở dài nhìn ra vườn nhẩm thầm "Ông tha mà bà chẳng tha, trời cho cây lụt hai mươi ba tháng Mười." Mưa vừa nhẹ hạt, trời quang mây tạnh, ngày nào cha mẹ tôi cũng vội vàng qua quít sau bữa ăn rồi vác cuốc ra vườn. Cha xới đều đất, lên vồng thẳng lối tươm tất làm sao. Mấy chị em tôi cũng phụ tay vào, tíu tít nhặt cỏ, rải phân, vãi hạt... Đâu vào đó rồi phủ rơm, hoặc đậy lá chuối mà lòng ai cũng hồi hộp mong ngày hạt nảy mầm, sự chờ đợi ấy xen lẫn niềm vui và hy vọng. Thường vào dịp cuối đông đầu xuân, nắng nhẹ mưa trong, đây là mùa để rau trái quê tôi khoe sắc xanh mơn mởn. Tôi nhận ra, vào mùa này, cha mẹ tôi không phải kỳ công tưới nước, bỏ phân, các loại cây rau vẫn lên xanh tốt. Ấy là nhờ trời mát mẻ, lại thêm lớp phù sa sông mẹ Thu Bồn mỗi mùa lụt đi qua và điều quan trọng nhất là tính ngày tính tháng cho từng loại cây trồng để kịp bán phiên chợ Tết. Với giống đậu cô-ve (quê tôi gọi là đậu Tây), là thân dây leo, gieo gần hai tháng mới cho lứa trái đầu tiên. Hay như trái khổ qua (còn gọi là dưa đắng, mướp đắng) cũng vậy, phải mất gần hai tháng trời mới bắt đầu cho trái. Suốt mùa khổ qua kết trái, những bông hoa vàng li ti không ngừng buông cánh. Dưới bóng mát của giàn cây, lũ trẻ chúng tôi tha hồ bày các trò chơi, thả bao mơ mộng theo những cánh hoa rơi... Nào là bông mướp vàng hoe, bông bầu trắng đục, dưa chuột thì ngoe nguẩy những cái đuôi vàng lấp ló... Mỗi loại hoa kết trái, những tấm áo, tấm quần ngày Tết như càng lấp lánh hơn trong niềm vui chờ đợi và hy vọng của chị em tôi.

Nhưng không chỉ có thế, thêm hương cho mùa xuân, pha sắc cho những món quà Tết ở quê tôi còn có những vườn rau xanh tốt. Quên sao được vườn nhà ai cũng những luống cải bẹ mát ngọt, cải xanh cay nồng. Cây cải có thể gieo suốt bốn mùa nhưng chỉ có Tết mới ra hoa kết thành hạt làm giống. Cây tần ô, cây ngò, xà lách cũng vậy. Để lưu giữ hạt giống cho mùa sau, cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, từng luống tần ô xòe trăm ngàn cánh trắng. Hoa tần ô rất giống hoa cúc, giữa màu xanh cây lá, những chùm tần ô trắng xóa chen lẫn giữa sắc vàng hoa cải, cảnh sắc quê nhà như lộng lẫy hơn. Đó là chưa kể đến các loại rau diếp cá, xà lách, hành, ngò... Ngày Tết, thịt heo, bánh tét nhiều, nếu không có các loại rau cải kèm theo, thật khó mà ngon miệng... Và với lũ trẻ nhà quê như chúng tôi ngày ấy, mỗi thứ rau, thứ đậu được mẹ hái từ vườn nhà mang ra chợ là đổi lấy quần, áo, giày, mũ... cho chúng tôi "sính diện" trong ba ngày Tết. Được mùa rau trước Tết là niềm vui lớn, trẻ con thì hớn hở, người lớn như cha mẹ tôi dường như cũng trẻ ra. Mấy ngày giáp Tết, tất tả nhất vẫn là các chị, các mẹ. Rau xanh, cây tốt, quả chóng lớn, phải đi chợ liên tục mới bán hết. Từ làng Văn Thánh của tôi ra đến chợ huyện khoảng năm cây số. Những ngày giáp Tết, trời còn sương sớm dày đặc nhưng mẹ đã tất tả quang gánh. Trên khắp ngả đường làng, tiếng nói tiếng cười giòn tan hòa vào tiếng kĩu kịt của đòn gánh trên vai dường như làm tan đi sự mệt nhọc vất vả... Tôi nhớ những chiều cùng mẹ ra vườn, mẹ nói năm nào được mùa rau là mẹ "khỏe" trong người. Mẹ còn bảo nếu không có rau trái ra chợ, trong người còn mệt mỏi hơn. Suốt cả năm làm ăn, đến Tết không mua sắm được quần áo mới cho con, hay hương hoa bánh trái cúng tổ tiên ông bà thì thấy mình "có lỗi". Thêm nữa, những ngày đầu năm mới mà không có tiền dù ít dù nhiều để lì xì cho con cháu hay đi chợ cúng đầu năm thì sự túng thiếu dường như theo suốt cả năm. Lúc đó tôi còn nhỏ, lơ mơ chưa hiểu hết ý mẹ nói nhưng cũng nhận ra, vườn rau đậu xanh non mơn mởn trước dịp Tết đến xuân về đã làm cho cha mẹ tôi "ấm bụng" hơn, nụ cười thêm tươi hơn và bao nhọc nhằn khó nhọc như tan biến hết. Và cảnh sắc trong nhà ngoài ngõ ở làng quê tôi càng thêm thắm đượm hương vị, rạng ngời trong dịp đầu năm.

Bây giờ, dù không còn "nguyên vẹn" những hình ảnh thân thương của quê nhà yêu dấu ngày xưa nữa, nhưng trên mọi ngả đường quê, vẫn thấp thoáng những vườn rau trái khoe hương khoe sắc mỗi dịp Tết đến. Năm nay, ông trời làm hai trận lụt lớn nên chắc chắn cây trái xanh tươi tốt. Ân huệ của sông mẹ quê nhà đã dệt nên tấm áo mới choàng xuân cho quê nhà. Hôm qua ghé siêu thị, cô bạn đồng nghiệp là dân gốc thành phố cứ xuýt xoa về những loại rau tươi non được bọc bao ni-lông bóng loáng, tôi tần ngần nhớ đến vườn rau của nhà mình ngày xưa. Rồi cứ lan man nhớ hoa cà tim tím, hoa cải vàng hoe, hoa ngò trăng trắng... Ngần ấy thôi đã gói trọn ký ức xa xăm của tôi về cha mẹ, về những tấm áo, cái mũ Tết thời ấu thơ dung dị theo suốt một đời. Những vườn rau nơi quê nhà đang khởi đầu cuộc hành trình mang hương hoa đi dệt những tấm áo ngày xuân... ■

NGUYÊN THẢO
(Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

>>> Xem tin gốc

You are here: Home Văn hóa - Nghệ thuật Tấm áo ngày xuân
Green Blue Orange Back to Top