Giới thiệu bài viết nhân Ngày Nhà giáo VN 20/11

In

Viết bởi Administrator Thứ sáu, 15 Tháng 11 2013 23:07

TÌM PHẬT TRONG LÁ BỒ ĐỀ

Mỗi khi ra đường nhìn các bé đeo chiếc cặp phía sau lưng, kỷ niệm tuổi thơ ùa về trong lứa tuổi lên mười của tôi ngày ấy.

Thật đúng như vậy, mặc dù đã bốn mươi năm trôi qua, trong tôi cứ tưởng chừng như mới đâu đây. Ngày ấy, tôi học lớp 5a của trường ấp Khánh Phước, xã Khánh Thiện, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận, bây giờ là thị trấn Mũi Né, một địa danh du lịch cho khách trong và ngoài nước.

Cay bo de

Ngày ấy quê tôi còn hoang sơ và nghèo nàn lắm. Mọi người dân ở đó đa số sống bằng nghề chài lưới. Trường học của tôi ở gần chợ cũ và cách bờ biển khoảng trăm mét. Từ nhà tôi đến trường phải qua một con dốc, dân địa phương ngày ấy vẫn hay gọi là dốc "Bà Banh". Mãi đến hôm nay đất nước nhiều đổi mới người dân không khổ sở như xưa nhưng tên gọi ấy vẫn không thay đổi.

Trong lớp học của tôi, tôi chơi rất thân với một bạn tên Xi. Bạn này giỏi toán, còn tôi lại giỏi văn. Hai đứa hội ý nhau. Bạn ấy chỉ tôi làm toán nếu tôi bí và ngược lại tôi chỉ bạn ấy làm văn một khi bạn chưa tìm được phần mở bài.

Theo thời khóa biểu của năm 1973 cấp tiểu học, học hai buổi trong một ngày. Tôi còn nhớ như in, buổi sáng học tập làm văn, buổi chiều học toán. Sáng hôm ấy tôi rất vui vì tâm lý chung mà! Ai giỏi môn nào thì yêu môn ấy, nếu ngược lại đã dở môn ấy rồi, học không vô mà thời gian dài vô tận nữa. Trống đánh tùng-thùng báo hiệu giờ chào cờ để chuẩn bị vào học. Vào lớp, cả lớp đứng dậy hát bài quốc ca. Cô giáo tôi hôm ấy rất xinh tươi trong chiếc áo dài màu hoàng yến. Cô cầm thước gỏ nhẹ vào bàn của cô rồi bảo: "Hôm nay giờ tập làm văn, các em tả cho cô cảnh một đêm trăng ở miền thôn dã". Tôi như nhảy cẫng lên. Giỏi văn đã thích giờ ấy rồi lại còn tả một đêm trăng ở miền thôn dã thì quả thật chẳng còn gì thú vị bằng. Tôi loay hoay lôi trong cặp giấy viết và ý nghĩ không biết từ đâu mà tôi cúi đầu viết, viết. Tôi còn nhớ phần mở bài tôi đã làm: "Nhân ngày nghỉ hè tôi về quê thăm ngoại. Nơi đây tôi có dịp được thưởng thức một đêm trăng nơi miền thôn dã". Sang phần thân bài: "Càng về khuya, trăng càng lên cao. Xa xa có tiếng chuông chùa văng vẳng đâu đây như đánh thức tôi trở về thực tại..."

Tôi cắm cúi làm cho kịp sớm để được ra chơi. Từ phía sau lưng tôi có tiếng của Xi gọi: "Phượng! Mày chỉ tao mở bài đi, sao khó quá". Nghe nó bảo tôi thấy thương nó, đang nghĩ cách tìm cho nó một mở bài phải khác với tôi. Toán thì coppy được vì đáp số giống nhau, chứ văn làm sao mà giống ý được. Tôi quay xuống bảo với bạn: "Mày đợi chút nha". Ngay lúc ấy lớp trưởng của tôi lên trước tấm bảng ghi tên. "Phượng, Xi" Những ai có tên trên tấm bảng là vi phạm, nói chuyện trong giờ làm bài. Nhìn thấy tôi tái cả mặt nhưng không lo nhiều vì bài văn của tôi sắp đi đến phần kết luận rồi. Bề nào cũng ghi tên vào "Bảng vàng" rồi nên tôi chép qua mảnh giấy và quay ra sau đưa cho bạn.

Hết giờ học văn, sắp được ra chơi. Tôi bắt đầu lo cho buổi chiều môn toán đố. Tôi và Xi ra gốc cây bồ đề ngồi. Miệng lép nhép "Nam mô a di đà phật, chiều nay cho con làm toán được".

La bo deĐã vậy tôi chưa chịu thua, tôi trèo lên cây bồ đề trồng phía sau lớp học của tôi ngồi bứt hết lá này sang lá khác, rồi dùng móng tay của mình cạo hai bên mặt lá từ trong suy nghĩ thật trẻ con của tôi. Cạo như thế Phật sẽ hiện ra giúp cho mình có đầu óc sáng suốt để làm được toán cho buổi học chiều nay. Cạo có đến hằng trăm lá bồ đề mà không thấy ông Phật nào hiện ra giúp cho tôi hết. Mười móng tay tôi lúc ấy toàn một màu xanh. Mãi mê tìm Phật trong lá bồ đề tiếng trống vào lớp học hồi nào tôi không nghe được. Đến lúc nhìn sân trường sao im lặng quá tôi sực tỉnh. Vào lớp xong cô giáo gọi lên và hỏi: "Em đi đâu sao vào học trễ gần nửa giờ đồng hồ"? Tôi ấp a, ấp úng "Dạ, thưa cô! Em tìm ông Phật trong lá bồ đề". Cô tôi quát lên "Xòe tay ra". Hai bàn tay tôi ngửa lên đưa trước mặt cô. Cô với lấy cây thước dài khoảng năm tấc, ngang khoảng bốn phân, ngày ấy gọi là thước bản cứ thế cô khẻ xuống tay tôi. Chát! Chát! Lằn thước kẻ hằn trong lòng bàn tay tôi màu đỏ lẫn với màu xanh của lá bồ đề ở những móng tay. Cô quất mỗi bên ba thước. Tôi khoanh hai tay trước ngực hầu để nhận tội của mình. Cô nhìn tôi và bảo: "Em nên nhớ đi học phải đi đúng giờ, không nên bê trễ giờ giấc. Mai mốt em lớn lên ra đời làm việc em phải biết sắp xếp thời gian cho đúng giờ. Em phải biết tự mình rèn luyện thì mới thành công trong mọi lĩnh vực. Em về chỗ làm toán". Tôi lí nhí trong miệng mấy câu "Em biết lỗi rồi, em xin lỗi cô".

Vậy là hôm ấy tôi mắc hai lỗi, quay xuống chỉ bài cho bạn bị lớp trưởng ghi tên. Tội ấy bị trừ hạnh kiểm. Buổi chiều mãi tìm ông Phật trong lá bồ đề quên giờ vào lớp học.

Sau lần ấy tôi không dám leo lên cây bồ đề nữa vì tôi bị phạt quá đau. Nhờ cô giáo Nguyễn Thị Nhiều của tôi dưới mái trường ngày ấy, tôi mãi không quên vì chính cô là người đầu tiên cho tôi bài học về giờ giấc. Đã bốn mươi năm trôi qua, những hình ảnh tuổi thơ ngày ấy mãi mãi những ký ức đẹp trong tôi. Tôi rất trân trọng và biết ơn cô đã uốn nắn cho tôi được hoàn thện mình hơn.

Cách đây hai năm tôi về thăm lại mái trường xưa và thăm cô Nhiều. Trường vẫn y như cũ, cô không biết giờ dọn nhà đi đâu mất.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi đến cô và tất cả thầy cô trên khắp miền đất nước một lời tri ân đúng nghĩa nhất.

Kim Hoa
 

MÙA THI

Một thời cắp sách tới trường, ai trong chúng ta cũng từng đi qua những mùa thi với biết bao kỷ niệm vui buồn, với tâm trạng hồi hộp, lo lắng của cái thuở mài đũng quần, mòn ghế nhà trường.

Mai truong cay phuong

Cái thời từ bé bỏng ngây thơ, khờ dại lơ ngơ, chập chững, rón rén đến trường, tới lúc được phong lên hàng thứ ba (chỉ sau quỷ và ma). Ta đã biết mộng mơ, biết làm thơ, từ thơ cóc nhái đến thơ tình "tuyệt tác", mà nếu bây giờ đọc lại ta mới phục ta có thừa can đảm "sản xuất" thơ nhưng thiếu dũng khí gửi tặng cho "đối tác" ?!

Có một bài nhạc diễn tả cái sự làm thơ ấy như sau: "Mối tình đầu của tôi, là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, tà áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về..." Ôi! Ta cứ mộng mơ, cứ làm thơ, cứ mang đến rồi lại mang về...

Chợt một ngày nhìn qua khung cửa lớp học thấy những chùm phượng đỏ rực, kèm những tiêng ve kêu gợi sầu báo hiệu mùa thi đến. Mùa thi đến với nhũng cơn mưa khiến lòng ta quay quắt, bâng khuâng!!! Như chú thỏ mải rong chơi trong câu chuyện kể ta học ngày nào, đang tung tăng ngắm hoa, nhẩn nha thơ thẩn, bỗng nhận ra rằng, thời gian không còn bao lâu nữa, mà đích đến còn mờ mịt trong cơn mưa "trắng cả giấc mơ"...

Thôi, giã từ giấc mơ, giã từ những bài thơ tình tuyệt tác. Cứ nằm yên trong vở nhé! Cho ta về với những đêm khuya bên ngọn đèn, bên ly sữa mẹ pha để sẵn, ta ngồi miệt mài với những ngổn ngang bài vở, loay hoay với những công thức, những định đề, định lý... Những ngày mệt mỏi ốm o này ta gọi là những ngày ôn thi.

... Thời gian cứ trôi, ngày ôn thi qua đi, ngày thi rồi cũng qua đi đem theo những nụ cười rạng rỡ và cả những tiếng nấc nghẹn ngào tiếc nuối. Còn lại chăng chỉ là những dòng lưu bút chứa chan kỷ niệm.

Giã từ mái trường thân yêu, tạm biệt thầy cô kính mến, chào những mùa thi trong đời học sinh, chia tay bạn bè thân thương. Mai đây mỗi đứa một phương trời, hành trang mang theo là cả một khung trời kỷ niệm, với những hoài bão tươi đẹp, những ước mơ màu xanh, trong đó có cả điều ước: " Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại..."

Quốc Anh (Tháng 11- 2013)