Giới thiệu những bài viết hưởng ứng mùa Vu lan 2013

In

Viết bởi Nhiều tác giả Thứ ba, 16 Tháng 7 2013 11:33

MẸ LÀ BIỂN TRỜI

Bong_bong_3Hằng năm cứ đến rằm tháng bảy. Tất cả các chùa tổ chức "Đại lễ Vu lan" mùa báo hiếu. Bông hồng cho ai còn mẹ. Còn bông hồng nào dành tặng cho ai? Đó là bông hồng trắng cho những ai không còn mẹ!...

Dù trong mọi lứa tuổi nào ai còn mẹ bên cạnh là điều hạnh phúc nhất. Tiếng "mẹ" thân thương không biết dùng ngôn từ nào diễn tả về mẹ, về những tình yêu thương cao cả vô bờ bến mà cả một đời mẹ vất vả chăm lo cho con. Từ lúc con tượng hình trong mẹ, mẹ mang nặng chín tháng mười ngày. Đến giờ phút lâm bồn mẹ trải qua những cơn đau quặn thắt. Vượt qua giây phút khó khăn ấy mẹ gần như kiệt sức. Bởi có câu "Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình" Thật đúng như vậy, chỉ một mình mẹ gánh lấy sự đớn đau mà tạo hóa đã xếp đặt cho những người mẹ phải gánh chịu.

Con lớn dần theo năm tháng mẹ quá đổi vui mừng. Nhìn con trong giấc ngủ mẹ thật sự hạnh phúc. Những lúc con sốt vì mọc răng, mẹ thức trắng đêm bên con sự lo lắng hằn sâu trên khuôn mặt mẹ với đôi mắt thâm quầng. Thỉnh thoảng đưa tay sờ trán con, thăm chừng con đở sốt chưa, mẹ tìm được niềm vui mỗi khi bệnh tình con thuyên giảm. Mẹ là biển rộng, là sông dài là cả một bầu trời mênh mông. Ôi! Bất tận. Hơi ấm của mẹ truyền sang con mỗi khi đông về giá rét. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con. Những món ăn ngon mẹ không bao giờ dám bỏ tiền ra mua ăn cho mẹ, nhưng với con, con bảo thèm ăn món nọ, món kia mẹ sẵn sàng cho con. Vì mẹ luôn quan niệm "Con là tất cả".

Me_gia_ganh_con

Ảnh minh họa Internet.

Cố nhạc sĩ Y Vân một chiều đi dạo chợ Sài Gòn ông chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh bà mẹ gánh con trên đôi quan gánh một bên là con, một bên là gánh hành rong. Cảm xúc của ông lúc ấy dâng tràn, đứng giữa lòng phố thênh thang nên ông viết bài "Lòng mẹ". Bản nhạc ấy giờ đây trở thành bất hủ, hầu hết tất cả trong chúng ta ai cũng biết. Riêng nhạc sĩ Y Vân là nhạc công các phòng trà ở Sài Gòn cuối thập niên 1950. Mẹ ông làm nghề giặt đồ mướn đến hai giờ sáng mới về, có lần bị cảnh sát bắt giữ vì đi trong giờ giới nghiêm. Nước mắt ông chực như muốn ứa ra, khi biết mẹ phải hy sinh một đời cho ông và cho những đứa em. Bản nhạc lòng mẹ ra đời từ hai hình ảnh ấy.

Có những cụ bà tuổi bước sang thất thập cổ lai hy, phải lặn lội qua những hẻm hóc lượm ve chai về nuôi con bệnh tâm thần tuổi năm mươi. Trong chúng ta thử hỏi với tình yêu thương vô bờ ấy của mẹ luôn dành cho con mấy ai không khỏi đau lòng. Nếu ai còn mẹ sống trên đời hãy biết trân trọng và tôn kính mẹ. Tôi không còn may mắn, mẹ tôi đã qua đời khi tôi được mười hai tuổi, cái tuổi đủ để tôi nhớ mãi về ký ức tuổi thơ của mình, giờ tôi đã trưởng thành, khao khát, ao ước được trả hiếu cho mẹ nhưng mẹ tôi mãi mãi không còn hiện diện trên cõi đời này nữa.

Nếu có kiếp tái sinh tôi sẽ được sống gần bên mẹ chính tay tôi sẽ dung cơm, dời nước để tỏ một chút lòng hiếu thảo của con. Ấy vậy mà có những người không biết yêu thương trân trọng cha mẹ. Đối xử với cha mẹ không ra gì thậm chí khi các cụ về chiều con cái đùn đẩy nhau, không dám cho vào nhà sợ chết mất công chôn cất. Những ai xấu xa như vậy hãy quay đầu sám hối đi nhé! Nếu ngày nay ta sống không biết gieo công đức, đối xử không tốt với đấng sanh thành, một ngày không xa lắm hậu quả sẽ đến với ta "Gieo nhân nào gặp quả ấy"...

Mẹ ơi! tháng bảy đã về
Mùa Vu lan đến não nề trong con
Năm xưa bên mẹ vuông tròn
Dầm mưa dãi nắng nuôi con tháng ngày
Chân trần đầu đội mưa ngâu
Trên đôi quan gánh mõi mòn bước chân
Giờ đây mẹ khuất đâu còn
Tuyền đài mẹ náu, trần gian con chờ.

Kim Hoa
Mùa Vu lan năm 2013
viết để nhớ về mẹ

 

CÁI BÁNH CHƯNG CỦA MÁ TÔI

Ba tôi tập kết ra bắc được 2 năm thì gặp má tôi, quê bà ở Nam Định khi tham gia thanh niên cứu quốc gặp ba tôi. Lấy chồng và theo chồng lên Hà Nội công tác, sinh ra ba anh em tôi, sau giải phóng lại theo chồng về miền Nam được 4 năm thì ba tôi mất, má tôi chưa một ngày được an nhàn.

Goi_banh_chung_1Hồi đó, anh tôi và tôi đang học đại học, mang tiếng là ở nội trú trong trường đại học Bách khoa nhưng hàng tuần anh tôi vẫn về nhà má tôi lấy đồ ăn, khi thì mấy ký bắp, lúc lại mấy ký nuôi mang lên hầm ăn học ôn lúc đêm khuya. Tôi tuy ở nhờ nhà bà cô ruột chị ba tôi, vì cô không có chồng nên tôi được cô lo cho ăn ở nên cũng không thiếu thốn mấy, vậy mà mỗi lần về thăm má tôi là tôi lại xin tiền tiêu vặt. Bà là công nhân thợ đúc trong nhà máy đóng toa xe, công việc nặng nhọc nhưng vẫn cố gắng làm thêm giờ để có thêm tiền lo cho anh em tôi học tập. Có lần thấy má cơ cực quá, mới vào đầu năm thứ hai, tôi về thủ thỉ với má: Má cho con nghỉ học đi làm nghe má. Má tôi trầm tư, nhỏ nhẹ: Con cố mà học, má còn đủ sức lo cho các con ăn học thì ráng mà học, chứ như má không có học nên bây giờ mới cực như thế. Từ đó tôi bỏ ý định đi làm kiếm tiền mà chuyên cần lo học tập để khỏi phụ lòng mong mỏi của má tôi.

Ra trường anh em chúng tôi lập gia đình, vì cuộc sống mưu sinh, vì công việc nên chúng tôi không còn thường xuyên về thăm má như lúc còn độc thân nữa. Hàng năm cứ vào ngày cuối năm chúng tôi lại kéo nhau về nhà cùng phụ má gói bánh chưng, má tôi ở với cậu út tật nguyền. Nhiều lần chúng tôi mời má xuống thành phố ở với chúng tôi như má nói: Xuống đó buồn lắm không có ai trò chuyện, má đi rồi ai lo cúng giỗ, nhang khói cho ba tụi mày. Thôi cũng đành vậy chứ biết làm sao. Hồi ấy nhà má tôi đun bếp bằng mùi cưa, mỗi lần thấy má tôi đi lượm mấy gốc cây về chất đống ở sân mà tôi không biết để làm gì, về sau mới biết má tôi dùng để nấu bánh chưng. Bánh chưng má tôi gói bằng lá chuối tuy không đẹp như với chúng tôi nó rất chắc, nhiều đậu và thịt ăn rất ngon. Có lẽ cả năm chỉ có mấy ngày tết là chúng tôi được ăn nhiều thịt, vì mấy tháng trước tết má tôi thường mua một con lợn nhỏ nuôi đến tết mổ thịt, bán lại cho hàng xóm một ít, còn lại gói bánh chưng và dành ăn dần. Vui nhất là buổi tối 28 tết, chúng tôi quây quần ngoài sân cùng má tôi gói bánh chưng và căn nấu bánh, trời gần về sáng chúng tôi buồn ngủ quá vào nhà lăn ra ngủ cả, sáng ra đã thấy má tôi đang ngồi rửa bánh, ép bánh cho cứng bánh. Mỗi nhà anh em chúng tôi lo lấy thịt lợn, bánh chưng về ăn và biếu bạn bè. Má tôi xếp vào giỏ cho hai anh em tôi gần hết chỗ bánh mới nấu, chỉ để lại vài cái đủ ăn, bà nói: Mang về cho anh em - bạn bè, mình không có gì biếu họ cho họ cặp bánh chưng chắc họ không chê đâu. Bánh chưng má tôi gói bạn bè khen ngon và lại để được lâu. Cứ thế hàng năm chúng tôi lại về gói bánh cùng má, buồn nhất là vào chiều 29 Tết mấy anh em lục tục kéo nhau đi làm bà ra cổng tiễn chân khi chúng tôi đi khuất con dường mới vào nhà.

Goi_banh_chung_2

Ảnh minh họa Internet.

Mấy năm sau, má tôi nghỉ hưu nhưng hay đau bệnh luôn, bà bị bệnh thận nên sức khỏe ngày càng giảm sút. Vậy mà tết đến bà vẫn lo đi nhặt rau thừa ngoài chợ để nuôi lợn, lượm củi gốc cây để dành nấu bánh chưng. Nhìn tấm thân thấp bé và dáng đi lắc lư của má mà chúng tôi chạnh lòng, hàng ngày má tôi vẫn dậy sớm quét sân, băm rau, nấu cám cho lợn ăn, rồi đưa thằng cháu con cậu em ra trường mẫu giáo, trưa về lo cơm nước cho cậu em đi làm về có cơm ăn ngay. Bà làm việc không khi nào thấy ngồi không, và cứ tết đến là lúc bà lại lo chuẩn bị tết cho chúng tôi, chúng tôi vẫn vô tư lên xin bánh về ăn tết mà không thấy nỗi lo toan, cơ cực của bà.

Thời gian trôi qua, anh em chúng tôi đã trưởng thành, cuộc sống đã dần ổn định, kinh tế có khá hơn cũng là lúc những ngày về thăm má tôi cứ nhặt dần, chỉ khi nào có đám tiệc hay nghe tin má bị mệt thì chúng tôi mới kéo nhau về thăm má, để rồi sau đó cả lũ lại kéo nhau đi để má ra đứng cửa nhà nhìn chúng đi khuất quay lại căn nhà vắng lặng. Tôi có anh bạn thân cùng trường khi về quê ngoài bắc thăm bố mẹ trước tết gặp tôi tâm sự: Ông là sướng nhất, chứ như tôi làm cái nhà to mời các cụ vào ở mà có ai chịu đi đâu, mang tiếng là con trưởng mà không gần cha mẹ lúc tuổi già, chỉ khi nào về lạy cụ thì còn có ý nghĩa gì. Ông ráng mà về thăm cụ thường xuyên. Nghe bạn tôi nói vậy mà tôi giật mình nghĩ lại, hóa ra anh em chúng tôi còn có phước là má tôi ở gần vậy mà không chịu hưởng, má tôi lúc nào cũng chỉ mong gặp con gặp cháu, và rồi khi con cháu về lại cặm cụi đi chợ, nấu cơm, ngồi vào mâm ăn má tôi chỉ lo bới cơm cho chúng tôi và ngắm nhìn tụi tôi ăn, còn chúng tôi vô tư ăn, để rồi buổi chiều lại kéo nhau đi. Khi về lại lo xin má lúc trái dừa, ký gạo nếp, ký sắn mà không lo gì được cho má. Đã thế những lần về thăm má ngày càng thưa dần lúc năm thì mười họa, khi đi chỉ làm cho má thêm nhớ thêm buồn. mấy năm gần đây má tôi không còn khỏe như trước, nhưng cứ tết đến bà vẫn làm bánh chưng đợi chúng tôi lên lấy bánh mang về, bà không còn ngồi gói bánh như trước nữa mà nhờ mấy đứa cháu hàng xóm gói hộ, chúng tôi không còn về với má tôi những dịp cuối năm nữa, ngay cả bánh chưng má tôi làm cho chúng tôi, anh em chúng tôi cũng không về lấy vì bây giờ có ai biếu nhau bánh chưng đâu. Thế mà má tôi vẫn gói, vẫn nấu để dành cho chúng tôi. Chỉ đến ngày mùng 1 tết cả nhà anh em chúng tôi mới kéo lên thăm má, ăn uống xong cuối buổi trưa là lại rủ nhau về mà chẳng ở thêm với má giờ nào, chúng tôi đi rồi má tôi buồn lên gường nằm chứ biết đi đâu, bánh chưng má tôi cho mang về bỏ tủ lạnh ra tết lại lấy ra cho bà mua ve chai nghèo. Càng nghĩ chúng tôi lại thấy thương cho má tôi. Bây giờ chúng tôi đã có cháu, cuộc sống lo toan hết lo cho con giờ lo cho cháu.

Tết này tôi không đi đâu nữa, vì tôi đã đón được cụ về ở với chúng tôi, má tôi bây giờ đã yếu lắm, lúc nhớ lúc quên, ở với chúng tôi mà cụ cứ tưởng đang ở nhà cũ. Bạn bè hỏi tôi:

- Sao đang đi làm ông lại nghỉ.

- Mình nghỉ xả hơi một thời gian rồi tính tiếp.

Giờ đây tôi đã được ở gần với má tôi, nhiều hôm chỉ có hai má con ở nhà, nhưng theo tôi có lẽ bà vui vì không còn phải nhớ mong chúng tôi như lúc trước. Với tôi là những ngày này là dịp tôi được chăm sóc cho má tôi, chỉ mong sao cho má tôi được khỏe mãi. Mỗi khi nghe câu hát từ máy hát đĩa của nhà hàng xóm: Mẹ già như chuối chín cây... là lúc tôi nao lòng, tôi chỉ cầu mong không có ngày đó đối với má tôi.

Lê Tăng Định

 

MƠ CÓ MẸ TRÊN ĐỜI

Mỗi độ vu Lan về, dẫu mẹ không còn nữa, lòng vẫn hân hoan đón mừng tuổi mẹ. Gió nhè nhẹ lung lay cành lá trên cành xanh biếc; hoa hồng, hoa cúc nở rộ ngoài vườn làm lòng bồi hồi vương vấn khi nghĩ đến mẹ hiền kính yêu!

Con bâng khuâng lời thơ còn in đậm trong lòng con :

Tiếng mẹ hiền thân thương cao đẹp quá
Như suối hiền ngọt dịu buổi trưa hè
Con gió chiều nhè nhẹ khóm trúc xinh
Giữa dòng nước của đại dương vô tận.

Vâng, có mẹ, con có nhiều ước mơ trong cuộc sống. Mẹ dìu dắt con đi trên bước đường tương lai tươi sáng là đấng thiêng liêng cao quý, tình thương của mẹ bao la như biển cả.

Đêm từng đêm, con say nồng trong giấc ngũ, mơ về một ngày xưa có mẹ. Con nào hay biết mẹ trằn trọc lo toan cho tương lai con trẻ, chuẩn bị hành trang cho con bước vào đời. Tình thương của mẹ là như thế đó. Rất thân thương và sâu lắng.

Mùa xuân! Rồi lại tiếp mùa xuân, tóc mẹ hiền ngày them sợi bạc, vầng trán mẹ hằn sâu vết nhăn theo năm tháng, hình ảnh mẹ ngày nào tần tảo vẫn in đậm trong trái tim con. Không có gì diễn tả và so sánh được với tình thương của mẹ.

Lá vẫn rơi! Dòng sông trôi mãi, sóng cứ thì thầm với con cuộc đời của mẹ: Bền bỉ, giản dị và thầm lặng như nước mặt hồ êm dịu. Mẹ bền bỉ, giản dị, lặng thầm để cho con một cuộc đời tươi đẹp. Cuộc đời hiện diện với sự chăm sóc tinh thần của mẹ và sự trưởng thành từ giọt giọt mồ hôi rơi trên áo mẹ. Mẹ đã không quản ngại khó khăn để cưu mang, nuôi dạy con nên vóc nên hình.

Me_ru_con_4

Ảnh minh họa Internet.

Chúng ta, những người con trưởng thành, phải nhớ câu "uống nước nhớ nguồn" nhờ ai mà ta có được ngày hôm nay, phải đền đáp công ơn dưỡng dục của mẹ hiền kính yêu, sống có ích cho xã hội và không làm trái lương tâm, không đam mê những thói hư tật xấu mà đau lòng mẹ. Mẹ là kỳ quan tuyệt dịu nhất trên đời, kỳ quan được tạo bởi ánh kim cương của lòng tin và vàng ròng của đức độ. Đức độ và lòng tin - món quà tinh thần quý báu mẹ trao ta - không gì thay thế được!

Nhân dịp Vu lan về, chúng ta hãy đón nhận một tình yêu bên mẹ tràn đầy hạnh phúc, hỡi những ai còn có mẹ, hãy trân trọng những gì mình đang có và luôn nhớ rằng"mẹ là tất cả". Mẹ là tình yêu, tình yêu của mẹ trong lòng ta khiến ta hoài thao thức với những ước mơ, hoài bão tươi đẹp nhất trong cuộc đời.

Hồng Phương Vũ

 

MƯA BUỒN THÁNG BẢY

Ta vào đời có mẹ, có cha. "Mẹ là nải chuối, buồng cau, là xôi nếp một, là đường mía lau". Tình cha là sông dài, biển rộng, là núi cao nắng ấm. Tình mẹ như ánh trăng êm đềm, như gió mát ngày hè. Tình ấy là tình trọn vẹn, như những bông lúa chín vàng vô tư dâng hạt cho đời, để xác xơ còn lại chỉ là gốc rạ. Gốc rạ cứ âm thầm tan ra dâng hiến mỡ màu cho đất.

Con như ruộng lúa còn non gặp ngày nắng hạn, cha gian nan gánh nước tưới vun, mẹ nhọc nhằn nhổ cỏ chờ mong, lo lắng từng ngày mong con lớn khôn. Mẹ thương con trên từng mớ rau mẹ bán; trên từng đường cày, nhát cuốc của cha. Nhớ con, mẹ mong cho phiên chợ chiều chóng tan mong tiếng trống tan trường chóng điểm... Ngày tháng cứ thế dần trôi, cơm cha áo mẹ cho con nên người.

Thành người, con đi xa. Những tháng ngày con đi xa là những tháng ngày mẹ mỏi mòn trông đợi, cha lo âu ngóng chờ. Ngày ngày mẹ vẫn nguyện cầu, cầu Trời cho con ở phương xa được bình an, được công thành danh toại... Ngày tháng vẫn dần trôi, những dải mây sầu cuối trời đang kéo về che mờ mắt mẹ, phủ kín bầu trời tâm hồn cha. Tóc mẹ bạc theo những mùa trăng, vai cha oằn theo từng con nước, vẫn một niềm nhớ mong, mong con chóng về!

Rồi một ngày định mệnh, con về. Ngày con về là ngày mẹ đi, mẹ vĩnh viễn ra đi. Ngày con về, con mua cho mẹ cỗ quan tài quý, mua để dành cho cha miếng đất ngàn thu. Đất vẫn lạnh, cỗ áo quan quý mấy cũng vẫn lạnh. Mẹ chết rồi, con có nhớ thương cũng chỉ là nhạt nhòa kỷ niệm, có kiếm tìm kỷ niệm cũng chỉ là kiếm tìm những dấu chân trên cát. Mẹ ơi! chữ hiếu của con cuối cùng là cỗ quan tài đưa mẹ đi xa, thật xa. Cỗ áo quan làm sao chứa hết những lo âu phiền muộn của mẹ, làm sao chất hết nỗi nhớ con xa của mẹ! Mất mẹ rồi con mới gọi: Mẹ ơi!...

Ngoài trời mưa tháng Bảy đang rơi và lòng tôi cũng đầy mây tím phủ giăng.

Quốc Anh
Vu lan nhớ mẹ 2013